Dân lo sửa bếp gas sau vụ nổ sập nhà
Sau vụ nổ khí gas nghiêm trọng tại Vinh , ngay chiều cùng ngày và sáng nay không ít người dân tự kiểm tra hoặc nhờ nhân viên cửa hàng gas kiểm tra lại hệ thống bếp, thay van, dây dẫn, thậm chí đổi bình dù vẫn còn gas.
Vốn vẫn quen dùng chiếc bếp gas đã bị hỏng bộ phận đánh lửa, phải “mồi” mới nấu được, ngay chiều qua, chị Thuận (tổ 19, Cầu Diễn, Hà Nội) đã gọi thợ tới sửa. Chị cũng lắp thêm một dây kim loại bảo vệ ống gas để chuột khỏi cắn. “Mình đọc xong tin trên mạng mà thấy tim rụng rời, vừa thương người bị nạn, vừa lo cho nhà mình. Bình thường mình chẳng để ý mấy việc này, nấu xong cũng không khóa van lại bao giờ. Bếp gas thì đã cũ, mỗi lần nấu lại phải châm lửa, bật bếp mới được… nhỡ có thế nào thì hối hận không kịp”, chị Thuận cho biết.
Cũng từng bị rò gas hai tháng trước, dù may mắn là xử lý kịp thời khi ngửi thấy mùi gas nên không sao, nhưng khi biết về vụ nổ ở gia đình anh Minh tại Tạ Quang Bửu hôm qua, anh Tùng (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn lo sợ. Sáng nay, vợ chồng anh quyết định đầu tư một chiếc bếp từ hơn 20 triệu đồng để nấu nướng cho đỡ phấp phỏng.
“Mua xong thì thấy thật ra có bếp từ cũng chẳng ăn thua vì mình ở chung cư, nhà mình an toàn nhưng nhỡ hàng xóm có vấn đề gì thì cũng chịu chung số phận thôi”, anh Tùng nói. Cũng sau khi đọc các thông tin cảnh báo về việc sử dụng gas và bếp, dù bình gas mới thay chưa đầy tháng, vẫn còn nhiều, chị Bảy (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn gọi người tới thay bình mới và kiểm tra lại giúp hệ thống dây dẫn, van… “Thường ngày có ông bà ở nhà, nếu gas hết thì ông bà gọi luôn, có khi từ số điện thoại trong tờ rơi tiếp thị dán lại. Tối qua, tôi kiểm tra thấy bình hoen gỉ, trông có vẻ ghê ghê nên lên mạng tìm số điện thoại đại lý uy tín gọi thay luôn gas và cả bình mới”, chị Bảy cho biết.
Còn chị Phương, ở chung cư Mỹ Đình tối qua đã “quán triệt” với chồng và hai cậu con trai là thực hiện triệt để việc khóa bình gas sau mỗi lần nấu. “Trước giờ người giao gas vẫn dặn không cần khóa bình, chỉ cần tắt bếp thôi, họ đảm bảo bình rất an toàn, sẽ tự khóa khi có sự cố. Giờ nghĩ đến vụ tai nạn mới thấy hãi, sao mình chủ quan thế cơ chứ!”, chị tâm sự.
Tại TP HCM, nhiều bà nội trợ cũng đã vội gọi điện đến các đại lý gas để yêu cầu kiểm tra bởi nhiều năm qua chưa thay ống dẫn gas cho bếp.
“Tôi mua bếp gas cách đây 11 năm mà không hề chú ý đến việc thay dây dẫn. Nghe vụ tai nạn thương tâm, ngẫm lại thấy mình quá chủ quan nên vội thay luôn cả hệ thống bếp cho yên tâm”, chị Hoa nhà ở quận 6 nói. Còn chị Hà ở đường số 2 khu cư xá Đô Thành, quận 3, cũng nói rằng gia đình mình đã quá chủ quan. “Mua bếp gas đã 7 năm rồi mà chúng tôi không chú ý đến hệ thống bếp gas bao giờ. Hôm nay nhờ kiểm tra mới thấy chuột cắn ống dẫn gas trầy xước cả”, chị này nói.
Chủ đại lý gas Duyên Anh trên đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, cho biết: từ chiều tối qua đến sáng nay, khách hàng liên tục gọi đến nhờ kiểm tra bếp. Nhiều người không yên lòng còn yêu cầu đổi luôn bình gas khi thấy một mảnh sơn nhỏ ở đáy bình gas bị xước. Nhân viên của đại lý gas Tuấn trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, cũng cho biết, từ sáng nay, các hộ gia đình vốn là khách mua gas của đại lý này đã liên tục yêu cầu kiểm tra lại hệ thống bếp gas. Điều mà từ trước đến nay chưa từng thấy. Cùng hoang mang lo lắng, một số bà nội trợ bàn với chồng đổi bếp gas thành bếp điện. Tuy nhiên theo anh Thuận, chủ đại lý phân phối gas Bình Tân, quận Bình Tân, dù bếp điện hay bếp gas thì việc thường xuyên kiểm tra để bảo trì cho các thiết bị là luôn cần thiết.
Còn anh Tuấn, chủ đại lý gas Tuấn Tú ở quận 10 nói, lỗi dẫn đến cháy nổ đôi khi không chỉ do thiết bị mà do chính người dùng chủ quan hoặc bất cẩn. “Một số gia đình khi kiểm tra mới thấy dây dẫn gas bị các vật kim loại sắc bén đè lên, hay bị chuột cắn ống dẫn rò rỉ mà không biết. Cũng có nhà dùng loại bình gas không có khóa gas tự động, nấu nướng xong lại không chịu khóa gas trong khi bếp thì vẫn mở. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ”, anh Tuấn nói.
Ảnh: |
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều các sản phẩm Van gas ngắt gas tự động an toàn, tuy nhiên nguồn gốc chất lượng không rõ ràng, người tiêu dùng nên cảnh giác chọn lựa sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín
Ngoải ra, để chống các tai nạn như vừa kể trên, người tiêu dùng cần chủ động tự vệ trước các rủi ro ngoài tầm kiểm soát như chuột, gián gặm nhấm. Để phòng tránh nguy cơ này, nhiều hộ gia đình đã chủ động trang bị thêm cho bếp gas của mình 1 ống gas kim loại 3 lớp. Một số người dùng lại tự mua 1 ống kim loại (có bán khá nhiều trên thị trường) để che phủ dây dẫn gas đang dùng, rất kinh tế và an tâm. Ngoài ra, quan trọng hơn cả là chú ý không để ống dẫn khí gas cao su tiếp xúc gần nơi nhiệt độ cao của bếp, hay bị các vật nhọn chèn ép, hậu quả dẫn đến rất khó lường.
|
|
Trong khi đó, các chuyên gia về khí hóa lỏng và an toàn cháy nổ cho biết để việc sử dụng bếp gas được an toàn, không chỉ cần thiết bị an toàn mà việc sử dụng đúng cách của người dùng cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng, trong đó có việc kiểm tra các thiết bị trong bếp (bình, bếp, dây và van) thường xuyên, thay mới định kỳ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Lập, phó giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn (Bộ Nông nghiệp và PTNT),người dùng cần nhớ những nguyên tắc cơ bản sau để đối phó với rò gas:
- Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà (phát hiện có rò gas), tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện, không bật tắt công tắt đèn, quạt, đóng cắt mạch điện, kể cả điện thoại di động.
- Lập tức khóa van bình.
- Sử dụng các phương tiện thông gió thủ công, ví dụ quạt nan hoặc mảnh bìa cactong để quạt tản khí đi. Nếu quạt máy đang chạy thì vẫn để nguyên.
- Mở hết các cửa ở phía trên bếp (không phải là các cửa ngang bếp) để tạo đối lưu lên trên, khi nào gần hết mùi mới được mở hết các cửa nhà.